Các yếu tố nguy cơ Tự sát

Danh sách các trường hợp tự tử tiêu biểu trong 16 tiểu bang ở Hoa Kỳ. Biểu đồ không bao gồm tất cả các trường hợp có thể xảy ra.[12]
Các cột từ trái qua phải: Vấn đề quan hệ tình cảm, sức khỏe vật lý, việc làm, tài chính, ý định tự sát bị tiết lộ.

Một số yếu tố có liên quan tới nguy cơ tự sát bao gồm: rối loạn tâm thần, nghiện ma túy, lý lịch gia đình, sẵn có các phương tiện, và các yếu tố về kinh tế - xã hội.[13] Những hoàn cảnh bên ngoài, chẳng hạn như là một sự kiện đau buồn, có thể kích hoạt tự sát nhưng nó dường như không phải là một nguyên nhân độc lập.

Rối loạn tâm thần

Vị chính khách Robert Stewart tự sát, 12 tháng 8 năm 1822

Rối loạn tâm thần thường xuyên xuất hiện tại thời điểm tự sát với các ước tính từ 87%[14] đến 98%.[15] Khi phân loại các rối loạn tâm thần trong các vụ tự sát thì có 30% trường hợp bị rối loạn cảm xúc, 18% bị lạm dụng chất gây nghiện, 14% bị tâm thần phân liệt, và 13% bị rối loạn nhân cách.[15] Khoảng 5% người tử vong vì bệnh tâm thần phân liệt là do tự sát.[16] Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất[17][18] với số lượng được chẩn đoán ngày càng tăng trên toàn thế giới,[19][20] và thường là yếu tố thúc giục sự tự sát. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, trầm cảm làm ảnh hưởng đến 17.6 triệu người mỗi năm hoặc cứ 6 người thì có một người bị bệnh. Trong hai mươi năm tới, dự kiến trầm cảm ​​sẽ trở thành nguyên nhân gây bệnh tật đứng hàng thứ hai trên toàn thế và là nguyên nhân hàng đầu trong các quốc gia có thu nhập cao, kể cả Hoa Kỳ.

Trong khoảng 75% các vụ tự sát thành công, các bệnh nhân đã đến gặp bác sĩ trong vòng một năm trước khi chết, 45% - 66% trong vòng một tháng trước khi chết. Khoảng 33% - 41% số người tự sát thành công đã có liên hệ với các dịch vụ sức khỏe tâm thần trong vòng một năm trước khi chết, 20% trong vòng một tháng trước.[21][22][23][24][25]

Nguyên nhân gây ra khoảng 10% những trường hợp có triệu chứng tâm lý có thể là do vấn đề y tế,[26] kết quả của một nghiên cứu cho thấy khoảng 50% các cá nhân bị bệnh tâm thần nghiêm trọng có điều kiện y tế chung là phần lớn không được chẩn đoán và điều trị do đó có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng tâm thần.(Rothbard AB,et al. 2009)[27][28]

Lạm dụng chất gây nghiện

Lạm dụng chất gây nghiện là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra tự sát sau rối loạn tâm thần.[29] Cả hai trường hợp lạm dụng mạn tính hay cấp tính đều liên quan đến tự sát, là do các hóa chất tác động lên thần kinh gây những hiệu ứng say và không kiểm soát được hành vi; Khi kết hợp với đau buồn cá nhân như mất người thân, thì nguy cơ tự sát sẽ tăng lên rất nhiều.[30] Những khuyến cáo về việc nghiện ma túy hoặc nghiện rượu dễ sinh ra các ý nghĩ tự sát đã được đưa ra.[31] Một cuộc điều tra trong các nhà tù ở New York cho thấy 90% tù nhân tự sát có tiền sử lạm dụng chất gây nghiện.[32]

Cocain

Việc sử dụng các loại ma túy như cocain có một mối tương quan cao với tự sát. Tự sát có thể xảy ra trong giai đoạn đang "phê" thuốc hay giai đoạn cai nghiện đối với người nghiện mãn tính. Đối với những trường hợp tự sát ở người thành niên trẻ thường là do lạm dụng chất ma túy tổng hợp, trong khi đối với người lớn tuổi thì nguyên nhân chính là do nghiện rượu. Tại San Diego, khoảng 30% các vụ tự sát ở những người dưới 30 tuổi là do sử dụng cocain. Trong thời gian cai nghiện cocain có thể dẫn đến những triệu chứng trầm cảm mãnh liệt cùng với các hiệu ứng đau khổ về tinh thần khác làm tăng nguy cơ tự sát.

Methamphetamine

Sử dụng methamphetamine có quan hệ mật thiết với trầm cảm và tự sát cũng như gây ra một loạt các hiệu ứng khác bất lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.[33]

Các opioid

Người sử dụng heroin có một tỷ lệ tử vong cao gấp 13 lần so với những người nghiện các chất khác, trong số đó tự sát chiếm 3-35%, và cao gấp 14 lần so với những người chết vì tự sát do lạm dụng chất gây nghiện khác.[34] 25% bệnh nhân điều trị cai nghiện heroin tại Úc bị trầm cảm.[35]

Rượu

Lạm dụng rượu có liên quan đến một số rối loạn sức khỏe tâm thần và nghiện rượu có một tỷ lệ tự sát rất cao.[36] Mỗi ngày uống 6 ly rượu mạnh hoặc nhiều hơn có nguy cơ tự sát cao gấp 6 lần người thường.[37][38] Những người nghiện rượu nặng hoặc lạm dụng chất cồn có tỷ lệ trầm cảm cao. Tranh cãi trước đây cho rằng những người nghiện rượu phát triển trầm cảm là do họ tự uống thuốc (có thể đúng trong vài trường hợp), tuy nhiên theo nghiên cứu gần đây cho thấy việc thường xuyên uống rượu quá mức trong thời gian dài bản thân nó đã trực tiếp gây ra chứng trầm cảm.[39]

Benzodiazepine

Benzodiazepine là một loại thuốc an thần, tuy nhiên nếu kê toa benzodiazepine hoặc lạm dụng trong thời gian dài có thể gây ra trầm cảm và tự sát. Nên cẩn thận trong việc kê toa loại thuốc này, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có nguy cơ tự sát.[40][41][42] Các thanh thiếu niên sử dụng benzodiazepine có nguy cơ tự hại hoặc tự sát tăng cao, mặc dù mẫu thống kê khá nhỏ. Những ảnh hưởng của các benzodiazepine đối với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi cần phải được nghiên cứu thêm. Cần thiết phải thêm vào khuyến cáo cẩn trọng khi sử dụng benzodiazepine đối với thanh thiếu niên bị trầm cảm.[43]

Hút thuốc lá

Có nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy một mối quan hệ giữa việc hút thuốc với những ý nghĩ và cố gắng tự sát.[44][45] Trong một nghiên cứu được thực hiện với các y tá, những người hút thuốc từ 1-24 điếu mỗi ngày có nguy cơ tự sát cao gấp đôi, hút 25 điếu hoặc hơn nguy cơ tự sát cao gấp 4 lần so với những người không bao giờ hút thuốc lá.[46][47] Trong một nghiên cứu thực hiện với 300.000 nam quân nhân thuộc quân đội Hoa Kỳ cho thấy có một mối liên hệ rõ ràng giữa tự sát và hút thuốc, những người hút thuốc lá trên một gói một ngày có tỷ lệ tự sát cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc.[48]

Nghiện cờ bạc

Bài chi tiết: Nghiện cờ bạc

Người nghiện cờ bạc thường có những ý định và cố gắng tự sát cao hơn so người bình thường.[49][50][51] Nghiện cờ bạc ở người trẻ tuổi làm tăng nguy cơ tự sát,[52] tuy nhiên những cố gắng tự sát liên quan đến cờ bạc thường được thực hiện bởi những con nghiện cao tuổi.[53] Nghiện cờ bạc kết hợp với lạm dụng chất gây nghiện[54][55] hoặc rối loạn tâm thần sẽ làm tăng nguy cơ tự sát.[53]

Một nghiên cứu bệnh viện ở Úc phát hiện ra rằng 17% các trường hợp tự sát được đưa vào khoa cấp cứu của bệnh viện Alfred là những người nghiện cờ bạc.[56]

Sinh học

Yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến nguy cơ tự sát,[57] với phương sai phân tán trong khoảng 30-50%,[58] phần lớn là do di truyền của bệnh tâm thần. Có bằng chứng cho thấy nếu cha mẹ tự sát sẽ là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về những nỗ lực tự sát trong số các người con của họ.[59]

Yếu tố xã hội

Tự sát như một hình thức thách thức và kháng nghị

Tấm ảnh của nhà báo Malcolm Browne chụp Thích Quảng Ðức tự thiêu.

Tại Ireland, phản đối bằng cách tuyệt thực cho đến chết đã được sử dụng như một chiến thuật trong thời gian gần đây vì các nguyên nhân chính trị. Trong xung đột vũ trang tại Bắc Ireland, một cuộc tuyệt thực đã được Quân đội Cộng hòa Ireland lâm thời (IRA) đưa ra để yêu cầu các tù nhân của họ phải được phân loại lại như là những tù nhân chiến tranh chứ không phải là những kẻ khủng bố, trong suốt cuộc tuyệt thực nổi tiếng vào năm 1981, dẫn đầu bởi Bobby Sands với kết quả là 10 trường hợp tử vong. Nguyên nhân cái chết được các nhân viên điều tra ghi nhận là "tự nhịn đói đến chết" ("starvation, self-imposed") chứ không phải là tự tử, sau khi bị gia đình của các nạn nhân phản đối thì sửa lại trên giấy chứng tử gọn lại là "đói" ("starvation").[60]

Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm hay Norman Morrison tự thiêu bằng dầu hỏa dưới văn phòng thư ký Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamaraLầu Năm Góc vào ngày 2 tháng 11 năm 1965 để phản đối chiến tranh Việt Nam cũng là một hình thức kháng nghị bằng tự sát.

Tự sát để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật

Một tội phạm có thể quyết định tự sát để tránh bị truy tố và nhục nhã. Hermann Göring, một sĩ quan không quân cao cấp của Đức Quốc xã, đã tự sát bằng 1 viên nang chứa xyanua để thoát khỏi cảnh bị treo cổ sau phán quyết tại tòa án Nürnberg. Một số vụ nổ súng học đường, bao gồm cả vụ thảm sát trường trung học Columbinethảm sát đại học bách khoa Virginia, đã kết thúc bằng việc thủ phạm tự sát.

Tự sát để phục vụ mục đích quân sự

Một cuộc tấn công thần phong vào tàu sân bay hộ tống USS White Plains của Hoa Kỳ.

Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới thứ hai, một số phi công Nhật Bản tình nguyện cho các phi vụ Thần phong trong một nỗ lực để ngăn chặn thất bại của Đế quốc Nhật Bản, trong khi lực lượng dưới mặt đất bắt đầu những cuộc tấn công banzai. Gần cuối của Thế chiến II, Nhật Bản thiết kế Ohka, một loại máy bay nhỏ có mục đích duy nhất là nhiệm vụ Thần phong. Tương tự như không quân của Đức sử dụng Selbstopfereinsatz (những nhiệm vụ cảm tử) để phá các cầu của Liên Xô.

Tự sát vì nghĩa vụ

Tự sát vì nghĩa vụ hay bổn phận là một hành động tự sát có hoặc không gây tử vong, được thực hiện với niềm tin rằng việc này sẽ đạt được những điều tốt đẹp hơn, chứ không phải là để thoát khỏi những điều kiện quá đáng hoặc quá khắc nghiệt. Việc tự sát có thể là tự nguyện, để giảm bớt nỗi ô nhục hay như là một sự trừng phạt, hoặc phải cáng đáng danh tiếng của dòng tộc.

Các quý tộc La Mã bị truất phế đôi khi được phép tự sát để cho gia đình của họ thoát khỏi những hình phạt. Ví dụ Hoàng đế Nero đã bị ép phải tự sát khi phải đối mặt với một cuộc nổi dậy và án tử hình.[61] Gần đây hơn là trường hợp của Erwin Rommel trong vụ âm mưu 20 tháng 7 nhằm ám sát Hitler. Rommel bị đe dọa nếu không tự sát thì sẽ bị đem ra xét xử công khai, xử tử và gia đình ông sẽ bị liên lụy. Và cuối cùng ông đã chọn phương thức tự sát.[62]

Tự sát như là một cách để giải thoát

Ở đây "giải thoát" là mong muốn của một cá nhân rằng họ sẽ không phải đối mặt với những sự việc xảy ra trong đời sống của họ. Nếu bỏ qua nguyên nhân tổn thương thần kinh thần kinh vật lý (não tổn thương) dẫn đến không kiểm soát được cảm xúc hành vi, một cá nhân có thể thực hiện hành động tự sát với hi vọng rằng được "giải thoát" khi cuộc sống của họ đã kết thúc. Những nguyên nhân khiến một cá nhân muốn tự sát để được "giải thoát" có thể liên quan trực tiếp đến chính sự sống và chất lượng cuộc sống của họ như bệnh tật hiểm nghèo, tình trạng kinh tế quá khắc nghiệt để duy trì sự sống, bị đe dọa giết hại hoặc giúp họ thoát khỏi những ám ảnh liên quan đến những sự kiện có thực đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra ở hiện tại và có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Dạng mục đích tự sát này có thể mang ý nghĩa bao trùm toàn bộ hoặc bao trùm một phần đối với các dạng mục đích tự sát khác, loại trừ (như đã nói) do tổn thương vật lý của hệ thần kinh. Ngoài ra quyết định chấm dứt cuộc sống với mục đích được "giải thoát" có thể là hậu quả của dạng bệnh thần kinh mà có mối liên quan chưa được làm rõ tới tổn thương của bộ não như chứng Tự kỷ, Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Những yếu tố khác

Các yếu tố kinh tế - xã hội như nghèo đói, thất nghiệp, vô gia cư, và phân biệt đối xử có thể gây ra ý nghĩ tự sát.[63] Nghèo không thể là một nguyên nhân trực tiếp nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ tự sát, vì là nhóm có nguy cơ lớn với trầm cảm.[64] Sự ủng hộ tích cực đối với tự sát cũng là một yếu tố góp phần. Trí thông minh ban đầu được đề xuất như là một yếu tố như trong một giải thích của tâm lý học tiến hóa về việc thừa nhận một trí thông minh tối thiểu cần thiết cho một quyết định tự sát, các mối liên hệ tích cực giữa chỉ số IQ và tự sát đã được nhắc lại trong một số nghiên cứu.[65][66][67][68][69]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tự sát http://www.theage.com.au/national/gambling-linked-... http://www.asahi.com/national/update/0330/TKY20100... http://www.aujourdhuilejapon.com/actualites-japon-... http://www.aujourdhuilejapon.com/actualites-japon-... http://www.aujourdhuilejapon.com/actualites-japon-... http://www.aujourdhuilejapon.com/actualites-japon-... http://www.aujourdhuilejapon.com/actualites-japon-... http://www.aujourdhuilejapon.com/informations-japo... http://www.biomedcentral.com/1471-244X/4/37 http://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S10472...